Hỏi đáp

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và cấp huyện, thành phố (DDCI - Department and District Competitiveness Index) là một công cụ nhằm giúp đánh giá năng lực điều hành kinh tế của cấp sở, ngành và cấp huyện, thành phố; từ đó, tạo động lực cải thiện chất lượng giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho nhà đầu tư, các doanh nghiệp đầu tư và sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Mục đích: 

- Xác định các hạn chế, yếu kém và nguyên nhân của những hạn chế trong thực hiện Chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và UBND cấp huyện (DDCI) bị giảm điểm trong năm 2023; làm rõ các vấn đề cộng đồng doanh nghiệp tỉnh đã phản ánh, nêu ý kiến thông qua DDCI 2023, đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp để tiếp tục cải thiện, nâng cao các chỉ số thành phần, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu đã đề ra tại Nghị quyết số 43-NQ/TU, ngày 23/8/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 - 2025.

- Nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc thực hiện nhiệm vụ các chỉ số DDCI; tăng cường hiệu quả và rút ngắn khoảng cách trong chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo UBND tỉnh đến cấp sở, ban, ngành và cấp huyện; rút ngắn khoảng cách về chất lượng điều hành giữa các đơn vị, lan tỏa các điển hình kinh nghiệm tốt. Tăng cường trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy tính chủ động của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc đổi mới, nâng cao chất lượng điều hành nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

- Tiếp tục khảo sát đánh giá năng lực điều hành cấp sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố trên cơ sở thăm dò mức độ hài lòng của nhà đầu tư, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh hoạt động trên địa bàn tỉnh để nghiên 2 cứu giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh hằng năm; đồng thời đề xuất giải pháp nhằm chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, tồn tại tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, nâng cao sự tin tưởng, quan tâm, đồng tình ủng hộ, tham gia của cộng đồng doanh nghiệp đối với kinh tế - xã hội của tỉnh.

Khảo sát chỉ số DDCI do UBND tỉnh Lạng Sơn chỉ đạo thực hiện, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tổ chức thực hiện đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn độc lập là Công ty Cổ Phần Công nghệ Hải Nam thực hiện khảo sát.

Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn phê duyệt Bộ Chỉ số đánh giá khắc phục các hạn chế năm 2023 và thực hiện đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và UBND cấp huyện (DDCI) năm 2024 tại Quyết định số 36/QĐ-UBND ngày 06/02/2024, bao gồm:

1.Tính minh bạch và tiếp cận thông tin

2.Chi phí thời gian

3.Chi phí không chính thức

4.Cạnh tranh bình đẳng

5.Hỗ trợ doanh nghiệp

6.Tính năng động và hiệu lực

7.Vai trò của người đứng đầu

8.Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự

9.Ứng dụng công nghệ thông tin

10. Tiếp cận đất đai, ổn định trong sử dụng đất và môi trường.

Về nội dung: Phiếu khảo sát DDCI được xây dựng trên cơ sở các Chỉ số thành phần đã được lựa chọn. Căn cứ trên nội dung mỗi Chỉ số thành phần sẽ có các câu hỏi (tiêu chí) tương ứng với nội dung của Chỉ số thành phần đó. Nội dung tiêu chí đảm bảo tính khái quát chung, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cấp sở, ngành và cấp huyện, thành phố.

Phiếu có phần trả lời câu hỏi để doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có thể bày tỏ những khó khăn, vướng mắc đang gặp phải hoặc đề xuất, kiến nghị các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Phiếu không ghi tên các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được khảo sát lên trên phiếu nhằm bảo mật thông tin cho những người trả lời phiếu phản ánh ý kiến một cách trung thực, khách quan.

Về hình thức: Phiếu khảo sát được thiết kế theo hình thức trả lời trắc nghiệm lựa chọn phương án có sẵn và có câu hỏi theo hình thức tự luận.


- Nhóm 1: gồm sở, ban, ngành cấp tỉnh:- Sở, ban, ngành: 25 đơn vị đã thực hiện năm 2023: (1) Sở Kế hoạch và Đầu tư, (2) Sở Xây dựng, (3) Sở Công Thương, (4) Sở Tài nguyên và Môi trường, (5) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, (6) Sở Giao thông vận tải, (7) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, (8) Sở Thông tin và Truyền thông, (9) Sở Tư pháp, (10) Sở Tài chính, (11) Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, (12) Sở Giáo dục và Đào tạo, (13) Sở Y tế, (14) Sở Khoa học và Công nghệ, (15) Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, (16) Ngân hàng Nhà nước tỉnh, (17) Cục Thuế, (18) Cục Hải quan, (19) Công an tỉnh, (20) Thanh tra tỉnh, (21) Bảo hiểm xã hội tỉnh Lạng Sơn, (22) Sở Nội vụ, (23) Sở Ngoại vụ, (24) Cục Quản lý thị trường, (25) Tòa án nhân dân tỉnh.

- Nhóm 2: gồm UBND các huyện, thành phố: (1) thành phố Lạng Sơn, (2) huyện Hữu Lũng, (3) huyện Chi Lăng, (4) huyện Cao Lộc, (5) huyện Lộc Bình, (6) huyện Văn Lãng, (7) huyện Bình Gia, (8) huyện Đình Lập, (9) huyện Tràng Định, (10) huyện Văn Quan, (11) huyện Bắc Sơn.

Khảo sát DDCI được đánh giá bởi các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đang hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Sau khi tính toán và lựa chọn mẫu, số lượng, cơ cấu các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được khảo sát sẽ được rút gọn lại để phù hợp với các điều kiện về nguồn lực của Bộ Chỉ số nhưng vẫn đảm bảo tính đại diện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn toàn tỉnh

Điều tra, khảo sát kết hợp sử dụng nhiều phương pháp phù hợp, hiệu quả, bao gồm:

- Khảo sát bằng thư tín qua đường bưu điện;

- Khảo sát thông qua hình thức gửi bảng hỏi điện tử trên hòm thư của nhóm nghiên cứu độc lập;

- Khảo sát trực tiếp tại một số doanh nghiệp theo yêu cầu của doanh nghiệp hoặc lựa chọn phỏng vấn sâu nhằm xác thực thông tin và kiểm soát chất lượng, cũng như thu thập các thông tin định tính.

- Quan sát thực địa với các Bộ phận một cửa của các huyện, thành phố, Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh.

Từ kết quả được thu thập qua các phiếu khảo sát, thực hiện tổng hợp kết quả khảo sát bằng phương pháp khoa học thống kê và xếp hạng các huyện, thành phố, sở, ban, ngành theo thứ tự điểm số DDCI từ cao đến thấp với các mức xếp hạng tương ứng.

Trên cơ sở kết quả khảo sát DDCI được tổng hợp, báo cáo được xây dựng sẽ phản ánh chân thực, khách quan từ đó đưa ra được nhận định về công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của các cơ quan, đơn vị trong năm 2024 và đưa ra được những khuyến nghị cụ thể cho năm tiếp theo.

Báo cáo kết quả khảo sát chỉ số DDCI được công bố công khai. Sau khi công bố chỉ số DCCI, các cơ quan, đơn vị có thành tích cải thiện môi trường kinh doanh xếp hạng cao được đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh tặng bằng khen. Các đơn vị xếp hạng thấp đề nghị Đảng ủy khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh vận dụng kết quả xếp hạng chỉ số DCCI là một trong những căn cứ để xem xét, đánh giá, phân loại chất lượng tổ chức cơ sở đảng với các chi, đảng bộ và người đứng đầu, đảm bảo chỉ số DCCI phát huy tác dụng, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tại cơ quan, đơn vị nói riêng và chỉ số PCI của tỉnh nói chung.

Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh khi tham gia khảo sát sẽ được bảo mật hoàn toàn thông tin của mình. Kết quả khảo sát chỉ dùng cho việc thống kê, nghiên cứu để đề xuất, kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong công tác chỉ đạo, điều hành cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tại tỉnh. Do vậy, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh hoàn toàn yên tâm để bày tỏ những ý kiến của mình trong phiếu khảo sát